Các loại ung thư gan cần biết

Theo thống kê của Globocan 2018, Việt Nam là một nước có tỷ lệ số người mắc ung thư gan đứng hàng thứ nhất (kể cả về tỷ lệ tử vong và số ca mới mắc). Có thể thấy, ung thư gan là một trong những bệnh ung thư nguy hiểm tới tính mạng của con người, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra tử vong.

1. Ung thư gan nguyên phát

Ung thư bắt đầu ở gan được gọi là ung thư gan nguyên phát. Có nhiều loại ung thư gan nguyên phát. Dưới đây là 4 loại ung thư gan nguyên phát phổ biến:

Ung thư biểu mô tế bào gan (HCC):

Đây là loại ung thư gan phổ biến nhất ở người lớn. Ung thư tế bào gan có thể có các mô hình tăng trưởng khác nhau:

  • Một số bắt đầu với một khối u phát triển lớn dần. Trong giai đoạn muộn của bệnh, nó sẽ lan sang các bộ phận khác của gan.
  • Loại thứ hai sẽ bắt đầu với nhiều nốt ung thư nhỏ trên gan, không chỉ là một khối u. Loại ung thư này thường gặp nhất ở những người bị xơ gan

Ung thư đường mật nội khối (ung thư ống mật- Cholangiocarcinoma):

Khoảng 10-20% bệnh ung thư bắt đầu ở gan là ung thư đường mật nội khối. Ung thư thường bắt đầu trong các tế bào lót các ống mật nhỏ (ống dẫn mật đến túi mật) trong gan. Tuy nhiên, hầu hết các ung thư đường mật thực sự bắt đầu trong các ống mật ngoài gan.

U mạch máu ác tính (Angiosarcoma hoặc hemangiosarcoma):

Đây là những bệnh ung thư hiếm gặp bắt đầu trong các tế bào lót các mạch máu của gan. Những người đã tiếp xúc với vinyl clorua hoặc thorium dioxide có nhiều khả năng phát triển các bệnh ung thư này. Một số trường hợp khác gây ra do tiếp xúc với asen hoặc radium, hoặc với một tình trạng di truyền được gọi là bệnh hemochromatosis di truyền.

Những khối u này phát triển nhanh chóng và thường quá rộng để có thể được phẫu thuật cắt bỏ vào thời điểm chúng được tìm thấy. Hóa trị và xạ trị có thể giúp làm chậm bệnh, nhưng những bệnh ung thư này thường rất khó điều trị.

U nguyên bào gan (Hepatoblastoma):

Đây là một loại ung thư rất hiếm gặp ở trẻ em, thường là ở những trẻ dưới 4 tuổi. Các tế bào của u nguyên bào gan tương tự như tế bào gan của thai nhi. Khoảng 2 trong số 3 trẻ mắc các khối u này được điều trị thành công bằng phẫu thuật và hóa trị, tuy nhiên các khối u sẽ khó điều trị hơn nếu chúng lan ra ngoài gan.

2. Ung thư gan thứ phát (ung thư gan di căn)

Ung thư gan thứ phát là tình trạng các tế bào ung thư đã di căn từ một cơ quan ngoài gan sang gan và hình thành một khối u ở đó. Ung thư gan thứ phát khác so với ung thư gan nguyên phát và tỷ lệ mắc bệnh của nó cao hơn rất nhiều so với ung thư gan nguyên phát.

Các tế bào ung thư từ nơi khác rất dễ di căn sang gan và tạo thành khối u thứ phát bởi vì gan là nơi tập trung mạng lưới mạch máu dày đặc cùng với nhiều chất dịch khác của cơ thể. Bất kỳ loại ung thư nào cũng có thể di căn sang gan, chẳng hạn như:

  • Ung thư túi mật di căn sang gan
  • Ung thư đại tràng di căn sang gan
  • Ung thư tuyến tụy di căn sang gan
  • Ung thư ruột di căn sang gan
  • Ung thư vú di căn sang gan
  • Ung thư dạ dày di căn sang gan
  • Ung thư phổi di căn sang gan
  • Ung thư thực quản di căn sang gan
  • Ung thư buồng trứng di căn sang gan

NHẬN XÉT&BÌNH LUẬN