Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

 


Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) xuất hiện khá phổ biến, xảy ra ở 10 đến 20% người lớn. Bệnh cũng xảy ra thường xuyên ở trẻ sơ sinh, có thể khởi phát từ lúc mới sinh 

Bệnh nguyên

Sự xuất hiện của trào ngược cho thấy cơ thắt thực quản dưới (LES) hoạt động kém hiệu quả, có thể là do giảm trương lực cơ hoặc do các đợt giãn thoáng qua tái đi tái lại bất thường (không liên quan đến nuốt). Giãn cơ LES thoáng qua xuất hiện do giãn dạ dày hoặc do các kích thích dưới ngưỡng bình thường ở vùng họng.

Các yếu tố góp phần vào khả năng hoạt động hài hòa của điểm nối dạ dày thực quản bao gồm góc thực quản tâm vị, hoạt động của cơ hoành, và lực hấp dẫn (tư thế thẳng đứng). Các yếu tố có thể góp phần dẫn đến trào ngược bao gồm tăng cân, thức ăn nhiều mỡ, đồ uống có caffein hoặc có ga, rượu, hút thuốc và thuốc điều trị. Các thuốc làm giảm áp lực cơ LES bao gồm thuốc kháng cholinergic, kháng histamine, chống trầm cảm ba vòng, chẹn kênh calci, progesterone và nitrat.



Biến chứng

GERD có thể dẫn đến viêm thực quản, loét thực quản dạ dày, co thắt thực quản, thực quản Barrett, và ung thư biểu mô thực quản . Các yếu tố làm viêm thực quản tiến triển bao gồm tính ăn mòn của dịch trào ngược, sự mất khả năng loại bỏ dịch trào ngược trong thực quản, lượng thức ăn trong dạ dày, và chức năng bảo vệ của niêm mạc. Một số bệnh nhân, đặc biệt là trẻ sơ sinh, có thể dịch trào ngược vào phổi

Triệu chứng

Triệu chứng nổi bật nhất của GERD là ợ nóng, có thể có hoặc không có triệu chứng trào ngược từ dạ dày lên miệng. Trẻ sơ sinh thường có các biểu hiện nôn, kích thích, chán ăn, và đôi khi có triệu chứng sặc đường hô hấp kéo dài. Cả người lớn và trẻ sơ sinh bị sặc đường hô hấp kéo dài đều có thể có các triệu chứng ho, khàn giọng, hoặc khò khè.

Viêm thực quản có thể gây đau khi nuốt, thậm chí là xuất huyết thực quản, xuất huyết thường ít khi biểu hiện rõ nhưng cũng có thể gặp trường hợp xuất huyết nặng. Hẹp thực quản gây khó nuốt chất rắn, bệnh tiến triển dần dần. Loét thực quản có triệu chứng đau giống loét dạ dày hoặc tá tràng, nhưng cơn đau thường khu trú ở mỏm mũi ức hoặc ở phần trên vùng sau xương ức. Loét thực quản lành chậm, có xu hướng tái phát, và thường gây hẹp sau khi hồi phục.

Chẩn đoán

  • Chẩn đoán lâm sàng

  • Nội soi cho bệnh nhân không đáp ứng điều trị theo kinh nghiệm.

  • Kiểm tra độ pH 24 giờ cho bệnh nhân với các triệu chứng điển hình nhưng có kết quả nội soi bình thường.

Bệnh sử của bệnh nhân cần được khai thác kỹ để định hướng chẩn đoán. Bệnh nhân với các triệu chứng điển hình của GERD có thể thử dùng liệu pháp ức chế axit. Ở những bệnh nhân không cải thiện hoặc có các triệu chứng kéo dài hoặc có biểu hiện của biến chứng cần được làm thêm các xét nghiệm khác.

Nội soi phối hợp rửa tế bào học và/hoặc sinh thiết ở những vùng bất thường, là xét nghiệm được lựa chọn. Sinh thiết qua nội soi là xét nghiệm duy nhất có thể phát hiện sự thay đổi của lớp biểu mô trụ trong bệnh thực quản Barrett. Bệnh nhân có kết quả nội soi không rõ ràng với các triệu chứng điển hình vẫn cần thực hiện kiểm tra pH 24 giờ kể cả khi đã điều trị bằng chất ức chế bơm proton. Mặc dù chụp cản quang uống barium giúp phát hiện các vết loét thực quản và hẹp thực quản, xét nghiệm này ít có ý nghĩa trong trào ngược mức độ nhẹ và vừa; ngoài ra, hầu hết bệnh nhân phát hiện bất thường cần nội soi sau đó.

Đo áp suất thực quản được sử dụng để đánh giá nhu động thực quản trước khi điều trị phẫu thuật.

Điều trị

  • Nâng đầu giường

  • Hạn chế cà phê, rượu, chất béo và hút thuốc

  • Thuốc ức chế bơm proton, thuốc chẹn H2

Điều trị GERD không biến chứng bao gồm nâng đầu giường khoảng 15 cm (6 inch) và cần tránh:

  • Ăn trong vòng 2 đến 3 giờ trước khi ngủ

  • Các chất kích thích mạnh bài tiết axit (ví dụ như cà phê, rượu)

  • Một số loại thuốc (ví dụ, thuốc kháng cholinergic)

  • Một số thực phẩm cụ thể (ví dụ như chất béo, sô cô la)

  • Hút thuốc

Giảm cân được đề nghị cho những bệnh nhân thừa cân và những bệnh nhân đã tăng cân gần đây.

Điều trị thuốc thường dùng thuốc ức chế bơm proton; các loại này đều đem lại hiệu quả tương đương. Ví dụ, ở người lớn có thể cho omeprazole 20 mg, lansoprazole 30 mg, pantoprazole 40 mg, hoặc esomeprazole 40 mg 30 phút trước bữa sáng. Trong một số trường hợp (ví dụ chỉ đáp ứng một phần với liều một lần/ngày), thuốc ức chế bơm proton có thể dùng liều 2 lần mỗi ngày. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể được cho dùng những loại thuốc trên với liều một lần trên ngày thấp hơn (omeprazole 20 mg ở trẻ em > 3 tuổi, 10 mg ở trẻ em < 3 tuổi; lansoprazole 15 mg ở trẻ em 30 kg, 30 mg ở trẻ em > 30 kg). Những thuốc này có thể được sử dụng lâu dài, nhưng liều nên được điều chỉnh đến mức tối thiểu đủ để ngăn ngừa các triệu chứng, bao gồm dùng liều gián đoạn hoặc theo yêu cầu. Các thuốc chẹn thụ thể H2 (ví dụ ranitidine 150 mg trước khi đi ngủ) hoặc thuốc hỗ trợ nhu động (ví dụ, metoclopramide 10 mg đường uống 30 phút trước bữa ăn và trước khi đi ngủ) ít hiệu quả hơn nhưng có thể dùng bổ sung cho bệnh nhân điều trị thuốc ức chế bơm proton.

Phẫu thuật chống trào ngược (thường thực hiện bằng nội soi) được thực hiện ở những bệnh nhân bị viêm thực quản nặng, khối thoát vị hoành lớn, xuất huyết, hẹp lòng, hoặc loét. Hẹp thực quản được điều trị bằng cách nong thực quản nhiều lần.

Thực quản Barrett có thể đáp ứng hoặc không đáp ứng với thuốc hoặc điều trị ngoại khoa. (Xem thêm hướng dẫn của Hội Tiêu hóa Hoa Kỳ updated guidelines for the diagnosis, surveillance, and therapy of Barrett’s esophagus .) Vì thực quản Barrett là bệnh tiền thân của ung thư biểu mô tuyến, cần phải theo dõi 3-5 năm một lần để phát hiện sớm các biến đổi ác tính đối với bệnh nhân chưa xuất hiện bất thường loạn sản. Theo hướng dẫn năm 2015 của Hội Tiêu hóa Hoa Kỳ phương pháp điều trị loại bỏ tế bào ít xâm lấn cho những bệnh nhân được chẩn đoán loạn sản mức độ thấp và không mắc các bênh lý làm giảm thời gian sống; tuy nhiên, theo dõi bằng nội soi 12 tháng một lần cũng là một phương án thay thế phù hợp. Bệnh nhân thực quản Barrett và loạn sản mức độ cao cần được điều trị bằng phương pháp loại bỏ tế bào ít xâm lấn trừ khi họ có các bệnh lý làm giảm thời gian sống. Các kỹ thuật loại bỏ tế bào ít xâm lấn cho thực quản của Barrett bao gồm cắt bỏ niêm mạc, điều trị bằng liệu pháp quang động, liệu pháp lạnh, và laser.

Nguồn MSD dành cho chuyên gia.

NHẬN XÉT&BÌNH LUẬN