Bệnh nứt hậu môn

Nứt hậu môn là hiện tượng có một vết rách nhỏ ở lớp niêm mạc mỏng của ống hậu môn. Các vết nứt thường gây đau và chảy máu khi đi tiêu. Tình trạng nứt hậu môn rất phổ biến ở trẻ nhỏ nhưng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Phần lớn tình trạng nứt hậu môn được chữa lành bằng các phương pháp điều trị đơn giản. Một số người bị nứt hậu môn có thể phải dùng thuốc hoặc đôi khi cần phải phẫu thuật.




TRIỆU CHỨNG CỦA NỨT HẬU MÔN LÀ GÌ?

Dấu hiệu và triệu chứng của nứt hậu môn bao gồm:

  • Đau, đôi khi đau dữ dội khi đi tiêu;
  • Đau sau khi đi tiêu có thể kéo dài nhiều giờ;
  • Có máu đỏ tươi lẫn trong phân hoặc giấy vệ sinh sau khi đi tiêu;
  • Ngứa hoặc rát quanh vùng hậu môn;
  • Một vết nứt có thể nhìn thấy trên vùng da quanh hậu môn;
  • Da thừa hoặc nhú hậu môn phì đại trên vùng da quanh vết nứt.

NGUYÊN NHÂN GÂY NỨT HẬU MÔN LÀ GÌ?

Nguyên nhân thường gặp gây nứt hậu môn là do:

  • Phân lớn hoặc cứng
  • Táo bón và rặn nhiều khi đi tiêu
  • Tiêu chảy mãn tính
  • Viêm vùng hậu môn trực tràng, do bệnh Crohn hoặc bệnh viêm ruột khác gây ra
  • Sinh con
  • Chấn thương trực tiếp

Các nguyên nhân ít gặp hơn là ung thư hậu môn và một số bệnh nhiễm trùng (HIV, lao, Zô-na sinh dục hoặc giang mai


CHẨN ĐOÁN NỨT HẬU MÔN BẰNG CÁCH NÀO?

Nếu có thể, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám trực tràng bằng cách đưa ngón tay đã đeo găng vào trong ống hậu môn, hoặc dùng một ống ngắn có đèn soi (ống soi hậu môn) để kiểm tra ống hậu môn. Tuy nhiên, nếu cách thăm khám này làm bạn quá đau, bác sĩ có thể chỉ quan sát để chẩn đoán tình trạng nứt hậu môn.

Nứt hậu môn cấp tính trông như một vết rách mới, hơi giống vết giấy rách. Nứt hậu môn manj tính có thể có nhiều vết rách, đồng thời có hai mẫu da thừa hoặc nhú hậu môn phì đại ở hai bên.

Vị trí của vết nứt sẽ giúp bác sĩ có thông tin về nguyên nhân gây bệnh. Nếu vết nứt nằm ở hai bên ống hậu môn, không nằm ở phía trước hoặc phía sau thì có khả năng đây là dấu hiệu của một bệnh lý khác, như bệnh Crohn. Nếu nghi ngờ có bệnh tiềm ẩn, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện thêm các xét nghiệm như nội soi đại tràng xích-ma hoặc nội soi đại tràng



PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ NỨT HẬU MÔN LÀ GÌ?

Nứt hậu môn thường lành trong vài tuần nếu thay đổi thói quen ăn uống, chẳng hạn như tăng tiêu thụ chất xơ và uống nhiều nước để giúp làm mềm phân. Ngâm hậu môn trong nước ấm 10 đến 20 phút nhiều lần trong ngày, đặc biệt là sau khi đi tiêu, có thể giúp thư giãn cơ thắt và mau lành bệnh.

Nếu các triệu chứng vẫn kéo dài, cần phải điều trị thêm.

Điều trị nội khoa

Thực phẩm bổ sung chất xơ: dùng thực phẩm bổ sung chất xơ và uống nhiều nước có thể giúp làm mềm phân và kiểm soát táo bón. Chất xơ hấp thu từ thức ăn có thể gây ra tình trạng chướng bụng nhiều hơn thực phẩm bổ sung chất xơ. Hãy đảm bảo uống thật nhiều nước khi dùng thực phẩm bổ sung chất xơ.
  • Ví dụ : Fructooligosaccharide (FOS) chất xơ hòa tan (Natufib)
Thuốc nhuận tràng thẩm thấu: nếu chất xơ không giúp cải thiện các triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc nhuận tràng thẩm thấu có tác dụng giữ lại nước trong đại tràng, làm mềm phân, nhờ đó phân có thể đi ra khỏi cơ thể dễ dàng và đi tiêu ít đau hơn. Tương tự như thực phẩm bổ sung chất xơ, cần uống nhiều nước khi dùng thuốc để tránh tình trạng mất nước.
  • Ví dụ: Sorbitol, Lactulose
Thuốc giảm đau tại chỗ có thể giúp giảm đau
  • Ví dụ: thuốc Lidocain dùng ngoài da (Xylocaine Jelly)
Thuốc điều trị huyết áp có thể giúp thư giãn cơ thắt hậu môn. Các loại thuốc này có thể dùng ngoài da (chưa có ở Việt Nam) hoặc dùng qua đường uống.
  • Ví dụ: Nifedipine, Diltiazem, Nitroglycerin Jelly
Thuốc pha chế dùng cho hậu môn trực tràng: loại thuốc này giúp giảm viêm hậu môn và chảy máu trực tràng do vết nứt
  • Ví dụ: thuốc đặt hậu môn – trực tràng Diclofenac (Voltaren®)
Tiêm Botulinum toxin loại A (Botox®) để làm liệt cơ thắt hậu môn và thư giãn co thắt

Phẫu thuật

Nếu tình trạng nứt hậu môn mãn tính không đạt hiệu quả với các phương pháp điều trị khác, hoặc khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật.

Các bác sĩ thường thực hiện một thủ thuật gọi là cắt bên cơ thắt trong, đây là thủ thuật cắt mở một phần nhỏ cơ thắt hậu môn để giúp giảm đau và co thắt, đồng thời giúp vết nứt mau lành. Các nghiên cứu cho thấy đối với trường hợp nứt hậu môn mãn tính, phẫu thuật sẽ mang lại hiệu quả cao hơn các phương pháp điều trị nội khoa khác. Tuy nhiên, phẫu thuật cũng có nguy cơ dù thấp trong việc gây ra tình trạng đi tiêu không tự chủ.

NHẬN XÉT&BÌNH LUẬN